ĐIỀU TRỊ BỆNH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN 0906143408

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Cần hiểu đúng về căn bệnh ung thư

Các bệnh ung thư mà người Việt Nam mắc phải nhiều nhất hiện vẫn là ung thư phổi, gan, dạ dày, ruột… có liên quan nhiều đến thói quen ăn uống, sinh hoạt.

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng cho rằng, bệnh ung thư không phải là “trời kêu ai nấy dạ” như người ta thường nghĩ, mà là “bụng làm dạ chịu”; yếu tố di truyền trong căn bệnh này chỉ chiếm từ 5 - 10%.
Ung thư là chết?
Thưa Giáo sư, nhiều người dân cho rằng ung thư là chứng bệnh nan y, bị ung thư chỉ có chết chứ không chữa trị nổi; trong khi y học thì vẫn tiến bộ không ngừng… Vậy phải chăng y học cũng bó tay trước bệnh ung thư?
Cái đó là quan niệm cũ. Ung thư chỉ là nan y khi phát hiện trễ. Hiện nay có nhiều phương pháp phát hiện sớm, nhưng người bệnh phải biết, bác sĩ phải biết, thì cơ may điều trị khỏi gấp nhiều lần. Ví dụ, ung thư cổ tử cung (CTC) chia làm giai đoạn 1,2,3,4… 

Phát hiện càng sớm, trị đúng cách, càng có khả năng khỏi bệnh. Tôi làm nghề này, mấy chục năm nay điều trị người bệnh ung thư CTC; người 10 năm - 20 năm - 30 năm trị ung thư CTC tôi gặp hoài!
Ung thư vú cũng vậy. Khi nó còn là một cục sờ thấy khoảng 1 cm - giai đoạn 1, nếu được điều trị đúng cách thì 75 - 85% có kết quả tốt.
Nhưng cũng cái xấu thực sự như ung thư gan. Nó im lìm lắm, nên khi phát hiện ra thì đã muộn. Hay ung thư phổi, có người hút thuốc 20 - 30 năm, rồi chỉ ho húng hắng sơ sơ…; bề ngoài vẫn tươi tỉnh mà đi bệnh viện chụp thì bác sĩ thấy cục u lớn rồi.
Nhưng những ung thư này vẫn có cách ngừa được. Chống ung thư phổi bằng không hút thuốc lá. Chống ung thư gan bằng tiêm ngừa vaccine chống viêm gan siêu vi B, C.
Nếu chúng ta thực hiện tốt được chiến lược phòng - chống, sau 15 - 20 năm tỷ lệ người mắc các bệnh ung thư này nhất định sẽ giảm. 
Việc chữa trị hiện nay, ở trong nước, số cơ sở điều trị còn ít nhưng những nguyên tắc lớn trong điều trị chúng ta đã phát triển được ngang tầm các nước lân cận. Các thuốc đặc trị hầu hết đều có, máy xạ trị loại tốt nhất, chúng ta có những bác sĩ phẫu thuật có tay nghề. Nếu chúng ta trị đúng bệnh và kịp thời thì kết quả tốt.
Hiện Tình trạng quá tải ở BV Ung bướu cũng như BV K Hà Nội, liệu có cách nào để giải quyết, thưa Giáo sư?
Bệnh viện chúng tôi thành lập năm 1985, lúc đó có 350 giường; mà nay đã có 1.100 giường; nhưng vẫn không đủ chỗ cho bệnh nhân. Bệnh viện liên tục phát triển số giường, số bác sĩ, nâng cao trình độ điều dưỡng và tăng cường đầu tư trang thiết bị. 
Năm 1985 chỉ có 1 máy Cobalt cũ bị hư. Nay có 3 máy Cobalt mạnh, có 1 máy xạ trị tần suất liều cao, có những máy gia tốc hiện đại… thời gian điều trị được rút ngắn nhiều. Có 10 phòng mổ, phẫu thuật mọi loại ung thư. Có nhiều loại thuốc để điều trị phù hợp cho người bệnh. Bệnh viện cố gắng vô cùng. 
Chúng tôi đã trở thành y hiệu, một địa chỉ ngày càng tin cậy nên bệnh nhân đến ngày càng đông. Bệnh nhân ở các tỉnh về (bệnh nhân từ các tỉnh chiếm 70%, bệnh nhân của TPHCM chiếm 30%), người nhà đi theo chăm sóc. Nên bệnh viện bị quá tải thực sự. Chuyện này không phải là chuyện của riêng bệnh viện nữa, tôi lo từ lúc tóc còn xanh nay tóc đã bạc rồi… 

Để giảm tải, mặc dầu chúng tôi có giúp các tỉnh mở khoa ung bướu; nhưng khoa ung bướu phải có xạ trị. Có những nơi đã 10 năm rồi mà địa phương chưa trang bị. Bộ Y tế khen BV Ung bướu đã xây dựng các mạng lưới, nhưng chỉ khen chứ không có hỗ trợ cụ thể…
Ung thư là bệnh có thể phòng tránh được
Như vậy, để chống ung thư, quả thật cần thay đổi nhận thức của các nhà quản lý và nhận thức của cộng đồng nữa ?
Đúng như vậy. Có bác sĩ tốt, thuốc tốt, máy móc tốt… Nhưng nếu mọi người không biết sớm về bệnh thì cũng không giải quyết được vấn đề. Nên trong chiến lược phòng chống ung thư phải làm co mọi người biết về căn bệnh này như thế nào. Truyền thông, báo, đài đóng vai trò quan trọng. 
Tôi đã nói về vấn đề ung thư trên VTV, rồi Đài Vĩnh Long, Bình Dương… Nhiều người sau đó gọi điện nói: cám ơn bác sĩ, chồng tôi đã bỏ thuốc rồi! hay: cám ơn bác sĩ đã nói rõ, giờ tôi đã hiểu ăn uống thế nào có thể gây ung thư. 
Có người đặt ra câu hỏi: “Ăn lỡ nước tương đen có gây ung thư không?”. Tôi nói: cảnh giác với nước tương đen là đúng. Nhưng hãy nhớ còn có các nguy cơ khác gây ung thư: như thuốc lá chứa 60 chất gây ung thư thật sự trên người.
Ở TPHCM, phụ nữ cứ 12/100.000 người bị ung thư phổi (số liệu 2003 - 2004), và nam giới gần 30/100.000 người. Vậy phụ nữ sao không hút lại bị ung thư phổi nhiều thế? Đó là do thụ động. Vậy người chồng phải ngưng hút thuốc, nếu thương vợ con. 
Rồi thói quen ăn uống: ăn dưa muối mặn, cá mắm, cá khô, cà pháo mắm tôm, kim chi… những thức ăn chứa nitrix và nitrat; có thể gây ung thư dạ dày. Cũng không nên ăn nhiều các loại fast food. Ví dụ người ta dùng mỡ nóng chiên đùi gà, mà các cháu nhỏ ăn nhiều nên quen, “ghiền”, thật không tốt. 
Ung thư gan chiếm tỷ lệ cao, vậy phải tiêm vaccine chống viêm gan B ở các cháu sơ sinh. 
Nên ăn nhiều rau, trái cây, có vitamin và chất xơ. Phải tập thể dục, tránh béo phì, giữ cân không lên. Làm vậy tránh được nguy cơ ung thư. 
Ung thư ruột kết ở nam và nữ đều nhiều. Là do ăn nhiều thịt chiên, nướng, nhiều chất béo. Phải để ý bởi triệu chứng rất mập mờ, tưởng như rối loạn tiêu hóa. Bệnh này nếu soi ruột phát hiện sớm và mổ kịp thời thì chứa trị tốt.
Về truyền thông, báo chí tuyên truyền cũng nên có liều lượng, tránh làm cho bà con hoang mang, hoảng sợ. Ăn (đồ không tốt) lặp đi lặp lại mới sinh bệnh chứ không phải lỡ ăn một vài lần rồi lo sợ hết hồn!
Thưa giáo sư, việc nghiên cứu căn bệnh ung thư ở nước ta được tiến hành ra sao và đóng góp thế nào vào việc đẩy lùi căn bệnh?
Tổ chức Y tế thế giới gợi ý quan điểm phòng chống ung thư với các nước nghèo là nghiên cứu dịch tễ học, khảo sát xem bệnh ung thư loại nào nhiều để xây dựng chiến lược điều trị, phương pháp điều trị.
Từ 1997 tới nay, nhờ cơ quan nghiên cứu quốc tế về ung thư tập huấn cho chúng ta cách ghi nhận tỷ lệ các bệnh ung thư, các con số thu được rất bổ ích. 

Số liệu nghiên cứu cho thấy, giữa các bệnh ung thư thì có bệnh tăng, có bệnh giảm. Ví dụ ở TPHCM vào khoảng những năm 1980 ung thư cổ tử cung chiếm tỷ lệ cao nhất, ung thư vú đứng hàng thứ 2… 

Đến năm 2003 - 2004, ung thư vú lại đứng hàng đầu, ung thư cổ tử cung (CTC) đứng hàng 2. Trước kia mỗi năm có gần 30/100.000 phụ nữ mới mắc ung thư CTC hàng năm thì nay chỉ còn 16/100.000 thôi. 

Nguyên nhân vì sao có sự thay đổi này? Tôi cho rằng, có một số nguyên nhân: Gần đây phụ nữ sợ HIV nên quan hệ tình dục kỹ hơn; họ đi khám phụ khoa nhiều hơn nên có thể phát hiện tổn thương tiền ung thư sớm, họ sinh đẻ ít hơn nên vệ sinh sinh dục tốt hơn…
Còn ung thư vú tăng lên vì sao? Tôi cũng cho rằng do người phụ nữ nhập vào đà phát triển công nghiệp hóa nên đi làm nhiều hơn, muốn độc thân lâu hơn, có con trễ hơn, họ ăn nhiều chất béo hơn…; rồi có phụ nữ hút thuốc lá, hoặc bị khói thuốc lá thụ động... Có thể là những nguyên nhân.
Ở Hà Nội, ung thư vú đứng hàng đầu; còn ung thư CTC thì thấp hơn nhiều so với TPHCM. Có thể nguyên nhân vì phong trào sinh đẻ kế hoạch hóa thực hiện từ lâu, phụ nữ sinh đẻ ít.
Cũng ở Hà Nội, ung thư phổi ở đàn ông đứng hàng đầu, rồi đến ung thư dạ dày.
Ở TPHCM, ung thư phổi cũng nhiều nhất, kế đó đến ung thư gan.
Ung thư phổi ở đâu cũng nhiều, do có nhiều người hút thuốc lá và bị ảnh hưởng bởi khói thuốc. 

Tóm lại, bệnh có nguyên nhân từ bên ngoài nhiều hơn. Yếu tố di truyền chỉ chiếm 5 - 10%, và người ta cho rằng “Ung thư thì trời kêu ai nấy dạ”; nhưng thực ra tôi cho rằng là “bụng làm dạ chịu”; ta ăn uống, sinh hoạt thế nào, thì sức khoẻ của ta như vậy.
Theo VOV.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons