Ung thư cổ tử cung có thể phòng tránh nếu phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư và điều trị sớm khi các tổn thương đó mới bắt đầu
Ung thư cổ tử cung (UTCTC) mỗi năm ảnh hưởng đến hơn 500.000 phụ
nữ và dẫn đến hơn 270.000 ca tử vong do ung thư. Khoảng 85% số phụ nữ
chết vì UTCTC sinh sống tại các nước phát triển.
UTCTC có thể phòng tránh nếu phát hiện sớm được các tổn thương tiền
ung thư và điều trị sớm khi các tổn thương đó còn mới bắt đầu.
Có thể phòng tránh UTCTC bằng 2 cách: một là phòng viêm nhiễm từ
đầu, không để cho virut HPV có cơ hội gây ra các biến đổi tiền ung thư
tại cổ tử cung; hai là phát hiện sớm các dấu hiệu tiền ung thư để sớm có
cách điều trị, không để cho các tổn thương đó trở thành ung thư gây hậu
quả nặng nề và tử vong cho phụ nữ.
Cách thứ nhất được gọi là dự phòng cấp 1 hay dự phòng tiên phát.
Cách thứ hai được gọi là dự phòng cấp 2 hay dự phòng thứ phát. Khi thực
hiện dự phòng ung thư cổ tử cung cho phụ nữ bằng cả hai cách thì có thể
coi là giải pháp dự phòng toàn diện bảo vệ cho phụ nữ.
Dự phòng cấp 1 là cách dùng
vaccin để kích thích cơ thể sản xuất ra kháng thể chống lại chủng 16 và
18 virut HPV. Cơ chế tác dụng cũng giống như đối với việc tiêm vaccin
phòng các bệnh khác như sởi, virut viêm gan B, Rotavirus.
Hầu hết nam nữ đều bị nhiễm HPV trong những năm đầu sinh hoạt tình
dục. Ngay cả khi luôn luôn sử dụng bao cao su thì cũng chỉ bảo vệ phòng
tránh nhiễm virut HPV được khoảng 70%.
Để phụ nữ có thể được bảo vệ đầy đủ, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến
nghị tiêm vaccin HPV cho các em gái vị thành niên trước khi bước vào
tuổi quan hệ tình dục - từ độ tuổi 9 hoặc 10 - 13 tuổi. Vaccin có hiệu
quả bảo vệ gần 100% đối với HPV chủng 16 và 18, là nguyên nhân chủ yếu
gây ra UTCTC.
Vaccin này được chứng minh là an toàn. Hiện nay có gần 30 nước đã
đưa vaccin này vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có
Australia, Malaysia, Anh, Mỹ và hầu hết các nước thuộc Cộng đồng châu
Âu. Vaccin đã được cấp phép sử dụng ở trên 100 nước, trong đó có nước
ta.
Dự phòng cấp 2 được tiến
hành bằng khám sàng lọc, phát hiện những tổn thương tiền ung thư ở cổ tử
cung trước khi chúng phát triển thành ung thư. Khi khám sàng lọc, nếu
phát hiện những bất thường, người phụ nữ có thể được điều trị ngay hoặc
sau đó vài ngày.
Có hai phương pháp sàng lọc thường dùng là xét nghiệm các tế bào
lấy ra từ cổ tử cung gọi là làm phiến đồ âm đạo, còn gọi bằng tên chuyên
môn là Pap smear và kiểm tra cổ tử cung bằng mắt thường có sử dụng axít
axêtic (gọi tắt theo tên tiếng Anh là VIA). Cả hai phương pháp này đều
nhằm tìm kiếm những bất thường ở cổ tử cung, có thể là dấu hiệu tiền ung
thư cổ tử cung.

Tiêm vaccin HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
Ảnh: Kim Anh
Phương pháp VIA áp dụng tốt nhất cho phụ nữ từ 30-49 tuổi, nhóm
tuổi này cũng là nhóm có nguy cơ cao nhất bị UTCTC. Nếu phát hiện được
dấu hiệu tiền UTCTC, thầy thuốc sẽ thực hiện điều trị sớm bằng phương
pháp thích hợp.
Phụ nữ từ 30-49 tuổi nên đến các cơ sở y tế để khám phát hiện sớm
UTCTC. Hiện nay, khi đến khám sàng lọc UTCTC, chị em phụ nữ còn được
khám sàng lọc ung thư vú ngay trong cùng một lần đến khám.
Phương pháp Pap smear đã được thực hiện trên toàn thế giới trong
hơn 50 năm qua, ở các nước phát triển, phương pháp này là phương pháp
thường quy trong sàng lọc định kỳ cho phụ nữ, góp phần giảm tới 70-80%
tỷ lệ mắc UTCTC tại các nước phát triển từ những năm 1960. Tuy nhiên
những đòi hỏi cao về phương tiện kỹ thuật và kinh phí để phổ biến và
duy trì phương pháp này lại không phù hợp với những nước có điều kiện
nguồn lực hạn chế, trong đó có Việt Nam.
VIA đã được chứng minh là phương pháp có thể phát hiện nhạy và hiệu
quả không kém so với phương pháp Pap smear trong việc phát hiện sớm
nhằm giảm tử vong do ung thư cổ tử cung. VIA đơn giản về kỹ thuật thực
hiện, phương tiện chỉ cần một chiếc đèn pin và dung dịch axít axêtic
(giấm) cho nên được đánh giá là phương pháp phù hợp cho những nơi có
điều kiện nguồn lực hạn chế. Do đó, có thể áp dụng thực hiện VIA tại các
cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa, có ít trang thiết bị mà vẫn tiếp cận được
nhiều phụ nữ.
VIA cho kết quả ngay nên có thể thực hiện điều trị hoặc chuyển
tuyến ngay trong cùng một lần đến sàng lọc. Nhờ đó, người phụ nữ không
phải đến cơ sở y tế nhiều lần, đồng thời cũng góp phần giảm số phụ nữ
không được điều trị vì không quay lại điều trị với nhiều lý do và tăng
được số phụ nữ được điều trị.
Điều trị sớm thường được áp dụng ngay trong một lần khám sàng lọc. Phương pháp điều trị sớm thường là điều trị áp lạnh.
Đây là phương pháp đơn giản, ít tốn kém và an toàn bằng cách làm
đông lạnh mô cổ tử cung bị nhiễm bệnh. Không nhất thiết phải là bác sĩ
phụ khoa mới có thể làm được phương pháp này mà y tá và nữ hộ sinh được
đào tạo là có thể thực hiện một cách an toàn và hiệu quả. Đây là một
giải pháp tốt để mở rộng sàng lọc tới tuyến cơ sở, giúp ngành y tế có
thêm khả năng tăng cường thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung với tỷ lệ
phụ nữ được sàng lọc tăng với khả năng nguồn lực hạn chế.
Mặc dù cách tiếp cận phòng ung thư cổ tử cung một cách toàn diện
đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ y tế dự phòng và hệ điều trị những với những
sáng kiến phòng chống ung thư cổ tử cung trên thế giới, với những nỗ
lực từ phía lãnh đạo và cán bộ chuyên môn, được sự hỗ trợ giúp đỡ của
các tổ chức quốc tế, chúng ta hoàn hoàn có thể hy vọng vào một tương lai
gần sẽ là một thế giới không còn ung thư cổ tử cung do HPV.
Theo TS.BS. Nguyễn Thị Kim Liên - Sức khỏe & Đời sống
0 nhận xét:
Đăng nhận xét